NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Như chúng ta đã biết, Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Từ đó, ngày 26/7 chính thức trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.
Trong quá trình hoạt động, ngành Kiểm sát nhân dân luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước; Triển khai quán triệt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là những chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49- NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị, Ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra và quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, với phương châm “Đoàn kết, đối mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả ”, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá; tăng cường kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ, chấp hành nghiêm quy chế nghiệp vụ, quy chế về thông tin, báo cáo, quản lý công tác và các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tỉnh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh,, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13, Nghị quyết số 96/2015/QH13, Nghị quyểt số 96/2019/QH14 của Quốc hội;
Tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa VIII ngày 26/12/1991 đã ban hành Nghị quyết về việc phân chia địa giới hành chính của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận trên cơ sở tách ra từ tỉnh Thuận Hải. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định số 11/QĐ-V9 ngày 15/01/1992 thành lập Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/1992.
Từ khi thành lập đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh ủy Ninh Thuận, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Ninh Thuận không ngừng được củng cố, phát triển và đạt được những thành tích đáng trân trọng trong các lĩnh vực công tác.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện tốt phương châm của Ngành “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”; triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Quốc Hội và Nhà nước về công tác tư pháp; Chỉ thị về công tác của ngành kiểm sát nhân dân và các Chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc Hội khóa XIV và hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày 29/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Ninh Thuận không ngừng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, kiểm sát thi hành án và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Trong công tác xây dựng ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng việc đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát. Năm 1992, khi mới thành lập, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận chỉ có 49 người, trong đó 77,5% cán bộ có trình độ Đại học luật và Cao đẳng kiểm sát, có 5 Phòng nghiệp vụ và 4 VKSND cấp huyện. Đến nay Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh Ninh Thuận có 8 Phòng nghiệp vụ và 7 VKSND các huyện, thành phố trực thuộc, với 116 công chức và 23 hợp đồng lao động; số lượng KSV hai cấp không ngừng được tăng cường cả về lượng và chất. 100% công chức làm nghiệp vụ Kiểm sát đều có trình độ cử nhân Luật; hiện nay có một số cán bộ, kiểm sát viên đang theo học đào tạo trình độ Thạc sỹ Luật. Đội ngũ công chức ngày càng trẻ hóa, vững về chính trị, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong công tác chuyên môn và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2008, Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2012; Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất cho 01 cá nhân, Huân chương lao động hạng Nhì cho 01 tập thể, Huân chương lao động hạng ba cho 3 tập thể và 01 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 05 tập thể và 06 cá nhân; 03 Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và nhiều Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối; Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận còn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng nhiều Bằng khen đối với tập thể và cá nhân vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác qua các năm.
Với niềm tin tưởng sâu sắc vào thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước và chiến lược cải cách tư pháp, dưới sự Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tỉnh ủy Ninh Thuận, các cấp ủy Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong tỉnh - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặc biệt là góp phần xây dựng tỉnh Ninh Thuận ngày càng phát triển.