Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách thuế cả nước, công tác quản lý thuế tại Cục thuế tỉnh Ninh Thuận đã có những chuyển biến căn bản, từng bước được cải cách, đơn giản hóa các quy trình thủ tục về thuế, tăng cường vai trò của cơ quan thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ quy định pháp luật về thuế, cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.Tuy nhiên tình trạng khai gian, trốn thuế, làm thất thu thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị lớn vẫn xảy ra với những hình thức tinh vi, khó phát hiện
Trong thời gian qua một số cá nhân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế đã bị khởi tố xử lý hình sự về tội “Trốn thuế”. Để xảy ra vi phạm pháp luật nêu trên do ý thức chấp hành pháp luật về thuế của một số cá nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, người nộp thuế vì lợi nhuận mà gian lận thuế, trốn thuế và công tác quản lý Nhà nước của cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh đôi lúc chưa chặt chẽ, chính sách pháp luật về thuế vẫn còn một số bất cập.
Trong thời gian tới tình hình vi phạm tội phạm về thuế vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước về thuế của tỉnh cần phải tăng cường công tác quản lý thuế để đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm về lĩnh vực thuế đạt hiệu quả cao.
Từ đó, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Cục trưởng Cục thuế tỉnh Ninh Thuận thực hiện các giải pháp sau đây:
- Chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 06/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
- Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, kê khai báo cáo thuế của các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định số 970/QĐ- TCT ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Nếu có dấu hiệu tội phạm kịp thời chuyển đến Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát để thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 489/QĐ-TCT ngày 07/4/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục thuế.
- Ngành thuế phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế GTGT, nhất là đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.
- Cơ quan thuế cần phải phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, cơ quan quản lý thuế để quản lý, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn làm thất thu ngân sách Nhà nước và thực hiện nghiêm Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 19/20/2020 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về hóa đơn, chứng từ.
- Cần công khai trên các thông tin đại chúng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trốn thuế để mang tính răn đe, đồng thời tạo hiệu ứng tốt cho công tác phòng ngừa và hạn chế sai phạm của người nộp thuế, tác động tích cực đến tính tuân thủ pháp luật về thuế.
- Bên cạnh tuyên truyền theo phương thức truyền thống, cơ quan thuế cần đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền đây là một phương thức tuyên truyền hiệu quả bởi tính kịp thời và thuận tiện, người nộp thuế không mất thời gian tra cứu, tìm hiểu mà tiếp nhận thông tin một cách chính thống từ cơ quan thuế.
Lê Minh Châu
PVT VIỆN KSND TỈNH