Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự về tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người trong thời gian 5 năm từ năm 2019 đến năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhận thấy:
Những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người và tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ việc đối tượng phạm tội có hành vi hết sức dã man, tàn độc, thái độ sau khi gây án hết sức lạnh lùng, gây xôn xao dư luận xã hội. Hậu quả của loại tội phạm này không những gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà còn làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển nhiều mặt về kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.
Nguyên nhân xảy ra loại tội phạm này chủ yếu là do sử dụng rượu bia, có lời nói qua lại với nhau gây mâu thuẫn, không kiềm chế được bản thân, hoặc do đã có mâu thuẫn ngấm ngầm từ trước. Bên cạnh đó, là do nhận thức pháp luật của nhiều người dân, nhất là ở vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, trong ứng xử không tôn trọng lẫn nhau, suy giảm về đạo đức, lối sống trong các mối quan hệ,.... đặc biệt trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Đối tượng phạm tội chủ yếu là ở lứa tuổi từ 18 đến dưới 40, nhiều trường hợp dưới 18 tuổi, ít học hoặc bỏ học, lười lao động,... thường tụ tập thành các băng, nhóm ăn chơi lêu lỏng, mang theo hung khí nguy hiểm như: dao nhọn, dao lê, mã tấu,... sẵn sàng đâm chém người khác hoặc thanh toán nhau để tranh giành ảnh hưởng, địa bàn, gây tâm lý, hoang mang, lo lắng, bất bình trong cán bộ và nhân dân.
Ngoài ra, còn do một số cấp ủy, cơ quan, địa phương các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa tội phạm Cố ý gây thương tích, Giết người ở địa phương mình. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhất là các quy định về giải quyết mâu thuẩn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình,... chưa sâu rộng, hiệu quả không cao. Công tác hòa giải ở cơ sở chưa kịp thời; các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình, học đường, mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở một số địa phương chưa hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các ngành, nhất là phối hợp với lực lượng công an trong phòng ngừa đấu tranh với tội phạm đôi lúc chưa chặt chẽ.
Theo thống kê của Ngành kiểm sát Ninh Thuận trong 5 năm từ năm 2019 đến năm 2023 trên địa bàn tỉnh xảy ra 73 vụ giết người với 112 đối tượng tham gia, làm chết 41 người, bị thương 36 người; tội cố ý gây thương tích xảy ra 432 vụ với 768 đối tượng tham gia làm bị thương tật 453 người, trong đó có tới 90% số vụ giết người và cố ý gây thương tích xuất phát từ nguyên nhân xã hội.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng ngừa tội phạm và đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm nói chung, các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người nói riêng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành công văn số 100/VKS-KN ngày 29/02/2024 kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhằm làm giảm căn bản nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, đó là:
- Chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể đẩy mạnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 138 về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
- Chỉ đạo Công an tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, đặc biệt là công tác phòng ngừa từ cơ sở; tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trọng tâm là Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Thông tư 23/2012/TT-BCA của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về An ninh trật tự”; thực hiện chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp; làm tốt công tác tiếp nhận, phân loại xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
- Cùng với đó, chỉ đạo các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh và tăng cường các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, các cấp chính quyền trong việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các băng nhóm tội phạm và là mầm mống phát sinh tội phạm nhằm kịp thời ngăn chặn và và đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thống đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Chương trình, Kế hoạch về phòng chống tội phạm; tăng cường công tác trao đổi, đối thoại, lấy ý kiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tham gia hòa giải, giải quyết những bức xúc, mâu thuẩn trong nhân dân; xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải bảo đảm An ninh trật tự tại cơ sở, địa bàn dân cư, khu công nghiệp, vùng giáp ranh.
Lê Minh Châu
PVT VKSND TỈNH NINH THUẬN