Ngày 19/10/2021, VKSND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, trại tạm giam”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Ninh Thuận đến các điểm cầu VKSND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Thu - Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Thuận chủ trì hội nghị; các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên các đơn vị Phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án, Phòng Thanh tra – Khiếu tố và VKSND các huyện, thành phố.
Đ/c Phạm Thu – Viện trưởng, Viện KSND tỉnh – Chủ trì hội nghị
Công tác trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù (THAPT) là một nội dung trọng tâm, luôn được VKSND hai cấp quan tâm thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp số liệu năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021 về công tác trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại nhà tạm giữ, trại tạm giam của VKSND hai cấp, VKSND tỉnh Ninh Thuận xây dựng chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, trại tạm giam” để tổ chức hội nghị.
Hội nghị đã nêu lên những kết quả đạt được về công tác trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, cụ thể như: VKSND hai cấp đã tiến hành 45 cuộc trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (tỉnh: 06; huyện: 39). Trong đó: Số kiến nghị độc lập: 07 (tỉnh 0, huyện 07); Số kiến nghị trong Kết luận: 13 (tỉnh 06, huyện 07); Số cuộc kiểm sát phát hiện tồn tại nhưng trao đổi rút kinh nghiệm: 05 (tỉnh 0; huyện: 05); Số Kết luận và Kiến nghị của VKSND được nhà tạm giữ, trại tạm giam chấp nhận thực hiện: 20 (tỉnh 06, huyện 14). Trong đó, có văn bản chấp nhận: 20; không có văn bản chấp nhận: 0.
Về cơ bản, VKSND hai cấp đã thực hiện tốt công tác trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam, đáp ứng được yêu cầu công tác đặt ra và đảm bảo chỉ tiêu công tác của ngành. Trong công tác này, nhiều đơn vị thực hiện rất tốt từ giai đoạn chuẩn bị cũng như quá trình trực tiếp kiểm sát đảm bảo đúng quy định pháp luật và quy định của ngành, qua kiểm sát phát hiện được nhiều tồn tại, thiếu sót vi phạm các nhà tạm giữ, trại tạm giam. Trên cơ sở đó ban hành kết luận, kiến nghị trực tiếp kiểm sát có chất lượng; kết luận, kiến nghị đã chỉ rõ những vi phạm pháp luật và viện dẫn điều luật cụ thể để làm căn cứ xác định vi phạm, đồng thời làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân và tập thể để xảy ra vi phạm trong quản lý tạm giữ, tạm giam và THAPT. Kết luận, kiến nghị đã được nhà tạm giữ, trại tạm giam chấp nhận thực hiện, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục vi phạm mang lại hiệu quả cao trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù.
VKSND hai cấp đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Hội đồng nhân dân cùng cấp trong công tác trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù nhằm đảm bảo đầy đủ các quyền của người giam giữ, đặc biệt là đảm bảo quyền bầu cử cho những người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền làm chủ của công dân, sáng suốt lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2021-2026.
Các đơn vị tham dự hội nghị qua truyền hình trực tuyến
Công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị trong công tác trực tiếp kiểm sát cũng được VKSND hai cấp quan tâm thực hiện, đảm bảo 100% kết luận, kiến nghị đều được kiểm tra việc thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như: Một số đơn vị VKSND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa triệt để khâu công tác này dẫn đến chất lượng, hiệu quả của một số cuộc trực tiếp kiểm sát chưa cao, có đơn vị trong nhiều cuộc trực tiếp kiểm sát liên tiếp không phát hiện vi phạm hoặc phát hiện rất ít vi phạm của nhà tạm giữ; ban hành kết luận trực tiếp kiểm sát còn chung chung, chưa có số liệu, đánh giá cụ thể từng nội dung các hoạt động trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; kiến nghị qua trực tiếp kiểm sát còn có nội dung chưa chính xác hoặc chưa viện dẫn được căn cứ pháp luật để xác định vi phạm…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc trực tiếp kiểm sát việc kiểm sát tạm giữ, tạm giam và THAPT trong thời gian tới, hội nghị cũng đưa ra một số giải pháp giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất: Lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp phải thường xuyên quan tâm, quản lý, chỉ đạo điều hành, xác định công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam thi hành án phạt tù là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động Tư pháp. Trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm phải đề ra những nội dung công tác trọng tâm, các chỉ tiêu nghiệp vụ và các biện pháp cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trực tiếp kiểm sát.
Thứ hai: Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ phận của VKSND cấp huyện cũng như các phòng nghiệp vụ có liên quan của VKSND cấp tỉnh để kịp thời thông tin, trao đổi ý kiến về việc tạm giữ, tạm giam nhằm phục vụ cho công tác trực tiếp kiểm sát.
Thứ ba: Thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho cuộc trực tiếp kiểm sát như tiến hành nắm thông tin về vi phạm trong hoạt động quản lý tạm giữ, tạm giam và THAPT tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên cơ sở đó chọn việc để tập trung tiến hành kiểm sát; ban hành quyết định trực tiếp kiểm sát; lập kế hoạch trực tiếp kiểm sát chi tiết, toàn diện và đầy đủ nội dung, cần lưu ý đến chương trình, thời gian, cách thức tiến hành cuộc kiểm sát để đảm bảo đoàn kiểm sát có thể nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu, sổ sách, các báo cáo, văn bản liên quan đến công tác quản lý, giáo dục và thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân; gửi quyết định và kế hoạch trực tiếp kiểm sát cho đơn vị được kiểm sát.
Thứ tư: Khi tiến hành trực tiếp kiểm sát cần chú ý thực hiện tốt các công việc chủ yếu như: Nghiên cứu hồ sơ tạm giữ, tạm giam và hồ sơ phạm nhân; Nghiên cứu hệ thống sổ sách liên quan đến công tác quản lý giam giữ; Kiểm sát nơi bán hàng căng tin; Kiểm sát thực tế nơi khám và chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam; Trực tiếp kiểm sát tại buồng tạm giữ, buồng tạm giam; Gặp hỏi những người bị giam giữ. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải trực tiếp kiểm danh, kiểm diện đối với buồng giam giữ…
Thứ năm: Theo dõi việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị (bao gồm cả kiến nghị trong kết luận). Sau khi ban hành kết luận trực tiếp kiểm sát, kiến nghị, kháng nghị, Kiểm sát viên được phân công phải theo dõi việc trả lời kiến nghị, kháng nghị bằng văn bản của nhà tạm giữ, trại tạm. Trường hợp nhà tạm giữ, trại tạm giam không có văn bản trả lời, Kiểm sát viên phải tham mưu lãnh đạo Viện có văn bản nhắc để nhà tạm giữ, trại tạm giam thực hiện. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát phải xây dựng kế hoạch kiểm sát việc thực hiện toàn bộ các kháng nghị, kiến nghị đã ban hành đối với nhà tạm giữ, trại tạm giam. Kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị có thể thực hiện bằng phương thức trực tiếp kiểm sát hoặc yêu cầu tự kiểm tra và thông báo kết quả. Đối với các kháng nghị, kiến nghị qua trực tiếp kiểm sát, thì kiểm sát việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị có thể thực hiện trong lần trực tiếp kiểm sát kế tiếp.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phạm Thu – Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Hoạt động trực tiếp kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù là một trong những nội dung quan trọng trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Do đó, VKSND hai cấp tỉnh Ninh Thuận cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót đã được chỉ ra tại hội nghị. Đặc biệt, các đồng chí Trưởng phòng Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án; Viện trưởng VKSND các huyện, thành phố phải phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong công tác trực tiếp kiểm sát để hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ của ngành, đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Cùng với đó, cán bộ, Kiểm sát viên cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nắm vững kiến thức pháp luật trong thực hiện chức năng nhiệm vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Nga – Phòng 8, Viện KSND tỉnh