Thực hiện kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận năm 2020–Trong ngày 10/09/2020 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Thông qua công tác kiểm tra cho thấy, đơn vị đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện đã có nhiều đổi mới, tăng cường, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, bám sát công việc, chỉ đạo nghiệp vụ chặt chẽ, nắm bắt kịp thời và giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kiểm sát; xây dựng đầy đủ các Quy chế nội bộ, các Quy chế phối hợp, các kế hoạch, chương trình công tác đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chỉ tiêu nghiệp vụ quy định; nội bộ đơn vị có sự đoàn kết, thống nhất cao, luôn đảm bảo được tính dân chủ, công khai, minh bạch trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên trong việc thực hiện Quy chế dân chủ tại đơn vị qua kiểm tra còn có một số tồn tại cần khắc phục, đó là: Chưa lấy ý kiến xây dựng, triển khai các kế hoạch, chương trình công tác của đơn vị đến toàn thể cán bộ, công chức; chưa xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa xây dựng ban hành Quy chế phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố; một số văn bản kiến nghị trong nghiệp vụ chưa có tính thuyết phục,…
Đoàn kiểm tra VKSND tỉnh làm việc với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức VKSND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Sau kiểm tra, VKSND tỉnh đã ban hành Kết luận kiểm tra, Yêu cầu Lãnh đạo Viện tổ chức họp đơn vị, kiểm điểm rút kinh nghiệm với các tồn tại, phát huy những kết quả đạt được và thực hiện tốt một số nội dung:
1. Tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, của Nhà nước và của Ngành về việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở như: Kết luận số 65- KL/TW ngày 04/02/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 120- KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 04/2015/NĐ- CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 01/2016/TT- BNV ngày 13/01/2016 của Bộ Nội vụ về Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ- CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ; Quyết định số 161/QĐ- VKSTC- T1 ngày 30/3/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND;
2. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Chi bộ, Lãnh đạo cơ quan trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ, xem việc thực hiện Quy chế dân chủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, là trách nhiệm của toàn thể cán bộ công chức; Tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra của Viện trưởng để kịp thời phát hiện các vi phạm, tồn tại, khắc phục, sửa chữa, rút kinh nghiệm; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, người lao động trong đơn vị, chấp hành đúng các quy định, quy chế của Ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được phân công; phấn dấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu quy định của ngành, của Quốc hội.
3. Thường xuyên rà soát các quy chế hoạt động của cơ quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản, hướng dẫn của cấp trên và phù hợp với thực tế đơn vị, nhằm chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, công chức, người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tiếp tục phát huy mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa Thủ trưởng đơn vị với cấp ủy Chi bộ, đoàn thể cơ quan trong thực hiện Quy chế dân chủ.