Qua thực tiễn cônbg tác, bản thân tôi xin được trao đổi một số biện pháp chủ yếu góp phần tăng cường công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm, nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm và kiến nghị như sau: 1/Về công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm:
Theo dõi nắm chắc số bản án do Tòa án cấp sơ thẩm ban hành và phiếu kiểm sát bản án của Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố lập.
Tiến hành kiểm sát kịp thời, chú trọng phát hiện các vi phạm, thiếu sót của bản án làm căn cứ cho việc kháng nghị phúc thẩm, kiến nghị đúng quy định của pháp luật.
Trước hết là kiểm tra về thời hạn giao bản án của Tòa án cho Viện kiểm sát theo Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự, hình thức bản án và mẫu bản án.
Tiếp đó là nghiên cứu kiểm tra đầy đủ, sây kỹ nội dung của bản án theo các vấn đề sau:
- Phần thủ tục tố tụng: Kiểm tra về thành phần Hội đồng xét xử, thẩm quyền xét xử, sự có mặt hay vắng mặt của bị cáo, người bị hại, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, thủ tục xét xử đối với người dưới 18 tuổi.
- Phần áp dụng pháp luật: Kiểm tra các yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi phạm tội của bị cáo, tuổi chịu trách nhiệm hình sự, xác định có bỏ lọt tội phạm và người phạm tội hay không, có làm oan người vô tội hay không; tội danh, điều khoản, mức án đối với từng bị cáo, trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và án phí.
2/Về công tác kháng nghị phúc thẩm:
Kịp thời nghiên cứu, phát hiện những vi phạm của bản án.
Xác định cụ thể căn cứ để kháng nghị đó là (việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ, kết luận, quyết định của bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, thành phần hội đồng xét xử không đúng luật định hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng)
Kháng nghị đảm bảo tính có cơ sở pháp lý, tuân thủ về hình thức và đúng theo mẫu do Viện kiểm sát nhân Tối cao quy định.
Nội dung kháng nghị: Đi sâu phân tích xác định đúng vi phạm (vi phạm về thủ tục tố tụng hay vi phạm về nội dung). Viện dẫn căn cứ pháp lý để chứng minh vi phạm, khắc phục tình trạng bỏ sót vi phạm cần kháng nghị hoặc kháng nghị không sát với vi phạm nên không được chấp nhận.
Trên cơ sở phân tích lập luận về những vi phạm của bản án, phần quyết định của kháng nghị phải nêu cụ thể. Kháng nghị toàn bộ hay một phần của bản án, phần nào của bản án; kháng nghị theo hướng sửa bản án hay hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại hay để điều tra, xét xử lại.
3/Về công tác kiến nghị:
Nắm vững căn cứ pháp lý để Viện kiểm sát ban hành kiến nghị.
Qua kiểm sát bản án, cũng như qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự khi phát hiện Tòa án có vi phạm, thiếu sót trong hoạt động xét xử thì kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm, thiếu sót.
Khi xác định rõ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
Nắm chắc, xác định cụ thể, rõ ràng vi phạm, thiếu sót của Tòa án trong hoạt động xét xử án hình sự (viện dẫn căn cứ để chứng minh vi phạm, thiếu sót xảy ra).
Lưu ý chỉ kiến nghị đối với những thiếu sót nhưng chưa đến mức xác định là có “sai lầm nghiêm trọng” về áp dụng pháp luật hoặc có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Tổng hợp kiến nghị đối với những vi phạm, thiếu sót mang tính chất phổ biến, được lập đi lập lại nhiều lần.
Kiến nghị cá biệt đối với những vi phạm, thiếu sót mang tính nổi bật, điển hình.
Kiến nghị đúng đối tượng, bảo đảm về nội dung, phù hợp về biện pháp và phát huy tác dụng, hiệu quả; đảm bảo kiến nghị được chủ thể chấp nhận, tiếp thu.
Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng phòng 7, VKSND tỉnh