Thanh toán tiền trong thi hành án dân sự là hoạt động của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án để xử lý số tiền đã thu được trong quá trình thi hành án. Trên thực tế, việc thanh toán tiền thi hành án hết sức phức tạp và vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 để thanh toán tiền thi hành án. Trong bài viết này, tác giả nêu một trường hợp cụ thể để phân tích về vấn đề này.
Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt ông A 07 năm 06 tháng tù về tội “Giết người”. Về trách nhiệm dân sự, buộc ông A phải tiếp tục bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho đại diện hợp pháp của bị hại là ông H và bà L số tiền 149.000.000đ và khoản lãi suất do chậm thi hành án. Về án phí, ông A phải nộp 7.650.000đ. Để thi hành bản án nêu trên, cơ quan Thi hành án dân sự ban hành 02 quyết định thi hành án đối với ông A. Một là, quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, buộc ông A phải thi hành khoản tiền bồi thường 149.000.000đ và khoản lãi suất do chậm thi hành án. Hai là, quyết định thi hành án chủ động, buộc ông A phải thi hành khoản tiền án phí 7.650.000đ.
Sau khi có quyết định thi hành án, bà T (mẹ ông A) đã tự nguyện đến nhà ông H, bà L bồi thường số tiền 22.000.000đ (không thông qua Chấp hành viên). Tiếp đến, ngày 22/12/2020, bà T nộp 2.000.000đ, ngày 10/3/2021 nộp 5.650.000đ tại cơ quan thi hành án dân sự. Chấp hành viên tiến hành thanh toán tiền theo quyết định thi hành án chủ động, thi hành khoản tiền án phí 7.650.000 để kết thúc việc thi hành án chủ động. Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án đối với ông A về khoản tiền bồi thường 127.000.000đ và lãi suất chậm thi hành án.
Vấn đề đặt ra ở đây là việc Chấp hành viên tiến hành thanh toán tiền án phí theo quyết định thi hành án chủ động trước khi thực hiện thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho người bị hại có phù hợp với quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 về thứ tự thanh toán tiền thi hành án hay không?
* Có quan điểm cho rằng, đối với trường hợp này, người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản, thu nhập để thi hành án. Trước khi phân loại việc chưa có điều kiện thi hành, Chấp hành viên đã làm việc với thân nhân của người phải thi hành án để thông báo các nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải thực hiện, đồng thời tác động họ thi hành thay. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên thân nhân của người phải thi hành án chỉ đồng ý nộp thay nghĩa vụ án phí, không có khả năng nộp thay nghĩa vụ bồi thường. Chấp hành viên thu khoản tiền do thân nhân của người phải thi hành án nộp thay nghĩa vụ án phí là phù hợp vì khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:…”. Theo quy định này, số tiền thi hành án được xác định là khoản tiền do Chấp hành viên thu được trong quá trình tổ chức thi hành án là của người phải thi hành án. Trong trường hợp trên, số tiền thu được là của thân nhân người phải thi hành án nộp thay nên không thuộc đối tượng điều chỉnh theo Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Khi tổ chức thi hành, Chấp hành viên vận động, thuyết phục nộp thay nghĩa vụ thi hành án, thân nhân của người phải thi hành án có quyền không nộp hoặc nộp thay nghĩa vụ cụ thể cho người phải thi hành án. Số tiền nộp thay là tài sản của thân nhân người phải thi hành án nên họ có quyền sử dụng, định đoạt theo ý chí của họ (Điều 190, Điều 192 Bộ Luật dân sự năm 2015). Đồng thời, pháp luật không có quy định khi người khác nộp thay nghĩa vụ cho người phải thi hành án thì phải nộp đúng thứ tự ưu tiên theo quy định tại Điều 47 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, Chấp hành viên thi hành khoản tiền án phí mà không thi hành khoản tiền bồi thường tính mạng, sức khỏe do thân nhân người phải thi hành án nộp thay là thực hiện theo ý chí của họ, không trái với quy định pháp luật, kịp thời thu hồi tiền cho ngân sách nhà nước, giảm số việc tồn chuyển kỳ sau.
* Quan điểm của tác giả cho rằng, để đảm bảo nguyên tắc pháp chế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các đương sự, không thể thanh toán tiền án phí từ khoản tiền thu được do người thân của người phải thi hành án nộp thay trước khi thực hiện thanh toán khoản tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho bị hại bởi các lý do sau:
-Thứ nhất, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án:
“1. Số tiền thi hành án sau khi trừ các chi phí thi hành án và các khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành khác theo bản án, quyết định
2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này; trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án…”.
Theo quy định trên, việc thu và thanh toán tiền thi hành án thuộc trách nhiệm của Chấp hành viên và không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người nộp tiền (người phải thi hành án hoặc thân nhân người phải thi hành án nộp thay) hay nói cách khác người nộp tiền không có quyền quyết định chi trả tiền thi hành án cho ai sau khi đã nộp cho Chấp hành viên nên không thể áp dụng Điều 190, Điều 192 Bộ Luật dân sự năm 2015 trong trường hợp trên. Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 cũng không phân biệt khoản tiền nào là của người phải thi hành án và của thân nhân người phải thi hành án nộp thay mà quy định về thanh toán tiền thi hành án đối với các khoản tiền do Chấp hành viên thu được trong quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, số tiền thu được từ thân nhân của người phải thi hành án nộp thay thuộc đối tượng điều chỉnh của Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014. Sau khi thu được tiền thi hành án, Chấp hành viên phải căn cứ Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 để thanh toán tiền thi hành án theo thứ tự ưu tiên, trong trường hợp có nhiều người được thi hành án.
- Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 63 Bộ luật hình sự năm 2017 quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên thì một trong những điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù (tù có thời hạn hoặc tù chung thân) đó là người bị kết án phạt tù phải “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.
Như vậy, đối với những trường hợp thân nhân của người phải thi hành án do hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng để thi hành thay toàn bộ khoản tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần trong các vụ án hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích, Chấp hành viên cần động viên, thuyết phục thân nhân của người phải thi hành án nộp thay một phần khoản tiền bồi thường cho người bị hại. Việc bồi thường này vừa kịp thời bù đắp một phần thiệt hại cho người bị hại, vừa là điều kiện để giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người thân của họ thì không thể có việc thân nhân người phải thi hành án “chỉ đồng ý nộp thay nghĩa vụ án phí, không đồng ý nộp thay nghĩa vụ bồi thường”.
Trong các vụ án hình sự về tội giết người, cố ý gây thương tích thì người phải thi hành án sau khi được thân nhân thi hành thay khoản tiền án phí tương đối lớn thì không có điều kiện để thi hành khoản tiền bồi thường. Chính vì vậy, quan điểm cho rằng số tiền thu được của thân nhân người phải thi hành án nộp thay nên không thuộc đối tượng điều chỉnh theo Điều 47 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; rằng người nộp thay có quyền sử dụng, định đoạt theo ý chí của họ đã làm mất đi cơ hội để người bị hại nhận được khoản tiền bồi thường, cơ hội người thân của họ được giảm án và không đúng quy định về thứ tự thanh toán tiền thi hành án.
Tuy nhiên, trong thực tiễn công tác còn có quan điểm khác nhau như trên về thanh toán tiền thi hành án dân sự, rất cần có sự nghiên cứu, trao đổi từ phía bạn đọc để làm rõ hơn về nội dung này nhằm đảm bảo tính thống nhất của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động thi hành án dân sự./.
Vũ Trinh - Nguyễn Nga
Phòng 8 - VKSND tỉnh Ninh Thuận