Trong quá trình công tác thực tiễn ở đơn vị có gặp một tình huống vướng mắc trong việc áp dụng tình tiết “Có tính chất loạn luân” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS, xin được trao đổi cùng quý độc giả.
Nội dung vụ việc như sau:
Nguyễn Văn A và Trần Thị B chung sống với nhau từ năm 2018 đến nay mà không đăng ký kết hôn, đã có con chung, gia đình bà con dòng họ hai bên, hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương đều xác nhận họ là vợ chồng. Trong quá trình sinh sống, vào ngày 01/6/2021, A có hành vi hiếp dâm bà Trần Thị C ( Bà C là mẹ ruột của B). Vậy, hành vi của A có thuộc trường hợp “Có tính chất loạn luân” quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141 BLHS hay không ?
Hiện nay có hai quan điểm khác nhau.
* Quan điểm thứ nhất:
Hành vi của A không thuộc trường hợp “Có tính chất loạn luân”. Bởi lẽ:
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay không công nhận hôn nhân thực tế. Theo đó, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
Vì vậy, về mặt pháp lý thì A và B không phải là vợ chồng, cho nên bà C đương nhiên không phải là mẹ vợ của A, do đó việc A hiếp dâm bà C không phải là “Có tính chất loạn luân”.
* Quan điểm thứ hai:
Hành vi của A thuộc trường hợp “Có tính chất loạn luân”. Bởi các lý do sau:
- Mặc dù A và B không đăng ký kết hôn nhưng trên thực tế họ đã là vợ chồng, sống chung một nhà, có con chung, được gia đình dòng họ hai bên, hàng xóm láng giềng và chính quyền địa phương đều thừa nhận họ là vợ chồng, mối quan hệ thực tế giữa A với C là con rể với mẹ vợ, phải xưng hô “mẹ” “con”.
- Tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP, ngày 01/10/2019 của HĐTP TANDTC hướng dẫn:
“ Điều 4. Về một số tình tiết định khung
1. Có tính chất loạn luân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 141… Bộ luật Hình sự là một trong các trường hợp sau đây:
…
đ) Phạm tội đối với con dâu, bố chồng, mẹ vợ, con rể”.
- Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng” chỉ nhằm mục đích để xác lập phân chia quyền về tài sản, con cái, thừa kế ...trong quan hệ pháp luật dân sự.
- Mặt khác, hành vi của A thực tế đã xâm phạm nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý của người Việt Nam, gây bức xúc lớn trong dư luận nhân dân, cho nên thuộc trường hợp “Có tính chất loạn luân”.
Bản thân tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai.
Rất mong nhận được sự quan tâm, trao đổi ý kiến của bạn đọc về nội dung trên, để có nhận thức thống nhất trong việc áp dụng pháp luật./.
Tác giả: N.A.L-VKS tỉnh