Kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Làm tốt công tác này nhằm đảm bảo phương châm: Bản án do Tòa án ban hành đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; góp phần phòng chống oan sau, bỏ lọt tội phạm.
Trong Quý I năm 2021 (từ ngày 01/12/2020 đến 28/02/2021) Viện kiểm sát hai cấp triển khai thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm. Kết quả: Tiến hành kiểm sát tổng số 117/117 bản án, đạt 100% (VKS Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm 55 bản án, VKS Ninh Hải 13 bản án, VKS Ninh Phước 11 bản án, VKS Ninh Sơn 16 bản án, VKS Thuận Bắc 04 bản án, VKS Thuận Nam 13 bản án, VKS Bác Ái 05 bản án).
Qua kiểm sát, phát hiện 11/117 bản án có vi phạm, thiếu sót chiếm tỷ lệ 9% (VKS tỉnh phát hiện 07 bản án, VKS huyện phát hiện 04 bản án). Đối với các vi phạm, thiếu sót phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự đã tham mưu cho Lãnh đạo viện ban hành 01 kháng nghị phúc thẩm và trực tiếp ban hành 02 thông báo đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện rút kinh nghiệm chung về công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm.
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát bản án hình sự sơ thẩm trong thời gian tới, các đơn vị cần phải tập trung thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu sau đây:
- Một là: Khi nhận được bản án do Tòa án cùng cấp giao, Viện kiểm sát vào sổ thụ lý ngay, kịp thời chuyển cho Kiểm sát viên có nhiệm vụ kiểm sát bản án.
- Hai là: Kiểm sát viên nhanh chóng kiểm sát bản án và lập phiếu kiểm sát bản án, trình lãnh đạo có ý kiến gửi cho Viện kiểm sát cấp trên theo quy định.
- Ba là: Kiểm sát về hình thức, cấu trúc của bản án theo quy định tại Điều 260 và theo mẫu của Tòa án nhân dân tối cao.
- Bốn là: Kiểm sát thủ tục tố tụng: về thẩm quyền xét xử của Tòa án; thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn mở phiên tòa, thành phần hội đồng xét xử, việc xác định tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng , thủ tục xét xử đối với người phạm tội dưới 18 tuổi.
- Năm là: Kiểm sát nội dung bản án: Đối với phần nhận định của bản án (về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, các yếu tố cấu thành tội phạm, hành vi phạm tội; hậu quả, lỗi, nhân thân; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo). Đối với phần quyết định của bản án (về tội danh; điểm, điều khoản áp dụng; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, xác định có bỏ lọt tội phạm hoặc có làm oan người vô tội hay không).
- Sáu là: Khi phát hiện bản án của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hoặc có sai lầm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật thì tham mưu cho Lãnh đạo kháng nghị phúc thẩm hoặc có báo cáo đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, nếu phát hiện bản án có thiếu sót thì kiến nghị cơ quan tòa án có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời chú trọng đến việc kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm.
Nguyễn Văn Hiếu – Phó trưởng phòng 7
VKSND tỉnh Ninh Thuận